Rút lui và bị giết Vương Chấn (hoạn quan)

Ngày 2 tháng 8, đại quân bắt đầu rút về phía đông. Ban đầu, Vương Chấn định đi theo đường Tử Kinh Quan là đường ngắn để về nhanh. Tuy nhiên, đây cũng là đường qua Uy châu – quê Vương Chấn. Đi được 40 dặm, Vương Chấn chợt thay đổi ý định, sợ số quân lớn 50 vạn người sẽ giẫm nát lúa màu quê nhà, do đó quyết định đổi hướng hành quân từ đường đông nam lên đường đông bắc, đi theo đường cũ từ Tuyên Phủ về kinh. Việc thay đổi lộ trình vừa kéo dài thời gian, vừa gây ra nghi hoặc lớn trong các tướng sĩ.[17]

Dã Tiên phát hiện quân Minh đi đường vòng mất thời gian, bèn dẫn quân từ phía bắc đón đường vây đánh. Thượng thư Bộ Binh là Khoáng Dã đề nghị cử tinh binh đi sau cùng chặn hậu, còn xa giá phải nhanh chóng chạy vào cửa ải, nhưng Vương Chấn ra sức phản đối.

Ngày 10 tháng 8, Anh Tông đến trạm Lôi Gia, ngày 12 sắp khởi hành thì nhận được tin báo quân Dã Tiên đã đuổi tới gần. Anh Tông bèn hạ lệnh đóng quân dựng trại một chỗ, cử các tướng ra chống cự nhưng mấy cánh quân ra đánh đều bị Dã Tiên tiêu diệt.

Ngày 13 tháng 8, Anh Tông cùng đại quân tới Thổ Mộc Bảo, phía đông cách thành Hoài Lai 20 dặm. Quần thần kiến nghị kéo đến bảo vệ Hoài Lai, nhưng Vương Chấn cho rằng còn hơn 1000 xe quân dụng chưa tới, hạ lệnh toàn quân đóng lại Thổ Mộc Bảo để chờ đợi. Quân Minh chọn chỗ cao đóng trại, nhưng không tìm được nguồn nước.

Ngày 14 tháng 8, kỵ binh Ngõa Thích đuổi đến nơi, bao vây chặt quân Minh, cắt đường nước suối phía nam cách đó 15 dặm. Quân Minh bị đói khát, phải kịch chiến suốt đêm ở phụ cận Ma Cốc Khẩu. Quân Minh không tìm được đường ra, Vương Chấn cũng hoảng hốt không dám hạ lệnh khởi hành.

Đang lúc đó có sứ giả của Dã Tiên tới xin nghị hòa, làm ra vẻ muốn rút quân. Anh Tông và Vương Chấn không biết là dối trá, bèn cho học sĩ Tào Nại thảo chiếu nghị hòa, rồi sai sứ sang gặp Dã Tiên. Vương Chấn cho rằng vòng vây đã được mở, vội hạ lệnh cho quân đi đến chỗ có gần nước. Trong lúc quân Minh tranh nhau đi lấy nước mất hàng lối thì quân Ngõa Thích đột ngột tấn công. Mấy chục vạn quân Minh không kịp trở tay, không có đường chạy trốn, bị tử trận, thây nằm ngổn ngang.[1][2]

Trong lúc hỗn loạn, Vương Chấn bị hộ vệ tướng quân Phàn Trung nổi giận cầm chùy sắt đánh chết.[18] Vương Chấn vào cung từ thời Minh Thành Tổ đến Minh Anh Tông, hoạt động trong khoảng 30 năm, không rõ bao nhiêu tuổi. Cùng bị giết với mấy chục vạn quân Minh có trên 50 quan văn võ, trong đó có cháu Vương Chấn là Vương Lâm giữ chức chỉ huy quân Cẩm Y vệ; còn Minh Anh Tông bị Dã Tiên bắt làm tù binh.